Là những loại cây cỏ trong tự nhiên, có thể hỗ trợ một số bệnh lý nhất định, thường được trồng để dùng làm thuốc chữa bệnh. Sử dụng khắc tinh của hôi miệng là phương pháp được đánh giá cao về mức độ an toàn, có thể mang đến những chuyển biến tích cực cho việc điều trị. Một số thảo dược trị hôi miệng thường gặp có thể kể đến như:
1. Hương nhu
Hương nhu có 2 loại là hương nhu trắng và hương nhu tía, trong đó, hương nhu tía còn có tên gọi khác là é tía. Theo y học cổ truyền, hương nhu có vị cay, mùi thơm dễ chịu, tính ấm, quy vào các kinh phế, vị. Thường có tác dụng tán hàn, giải biểu, hành thủy, lợi thấp trị tiêu chảy, lạnh bụng, lạnh tay chân, đau nhức cơ thể… Hương nhu chứa nhiều tinh dầu, thường được dân gian sử dụng để khử mùi hơi thở, làm sạch khoang miệng, hỗ trợ điều trị hôi miệng.
Cách thực hiện:
Cách 1: Dùng hương nhu tươi
- Lấy 40g hương nhu, rửa sạch, cho vào nồi hoặc ấm sắc với 200ml nước
- Đun sôi, thấy hơi cô cạn thì để nguội, dùng nước này súc miệng sau khi đánh răng
- Kiên trì thực hiện 2 – 3 lần/ngày để thấy hiệu quả
Cách 2: Dùng tinh dầu hương nhu
- Lấy 2 – 3 giọt tinh dầu hương nhu nhỏ vào cốc nước ấm
- Khuấy đều, dùng nước này súc miệng mỗi ngày
- Kiên trì áp dụng sẽ thấy tình trạng hôi miệng của bạn được cải thiện.
2. Húng chanh – thảo dược trị hôi miệng quen thuộc
Húng chanh còn được gọi với những cái tên khác như rau tần, tần lá dày, dương tử ô, rau thơm lông, rau thơm lùn. Đây là loại cây thân thảo không chỉ được dùng làm rau gia vị mà còn là vị thuốc được thu hái quanh năm. Húng chanh có giá trị trị liệu cao, được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như ho kéo dài, hôi miệng, trừ giun sán, ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương ngoài da.
Lá húng chanh có tính ấm, vị chua the, mùi thơm hăng, đi vào phế, có thể chữa được nhiều bệnh về đường hô hấp. Húng chanh cũng là một trong những thảo dược chữa hôi miệng được nhiều người biết đến và áp dụng. Để trị hôi miệng bằng húng chanh, chúng ta thường chỉ dùng để súc miệng nên không có quá nhiều vấn đề cần lưu ý.
Cách thực hiện:
- Lấy 100g lá húng chanh rửa sạch, cho vào ấm sắc với nước
- Thấy cô cạn được nước đặc thì tắt bếp, để nguội
- Dùng nước này để ngậm và súc miệng mỗi ngày
- Kiên trì thực hiện để thấy hiệu quả.
Bạn cũng có thể lấy một nắm lá húng chanh khô, sắc lấy nước để ngậm súc miệng. Thường xuyên ngậm nhiều lần trong ngày, kiên trì trong nhiều ngày thì mới thấy tình trạng hôi miệng được cải thiện.
3. Ngò gai (mùi tây)
Ngò gai còn được gọi với những cái tên khác như mùi tàu, mùi tây, ngò tây. Đây không chỉ là loại rau thơm được người Việt yêu thích mà còn là một loại dược liệu thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Theo Đông y, ngò gai tính ấm, mùi thơm hơi hắc, vị cay đắng, có thể giúp giảm đau, kiệm tỳ, sơ phong thanh nhiệt, hành khí tiêu thũng. Thường xuất hiện trong các bài thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa, thanh độc, thông khí, khử thấp.
Theo các nghiên cứu hiện đại, ngò gai có chứa 0,02 – 0,04% tinh dầu dễ bay hơi, trong rễ của loại cây này còn chứa saponin. Thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa viêm ruột đi kiết, rối loạn tiêu hóa, đau tức ngực, cảm mạo. Ngoài ra, ngò gai cũng thường được dân gian sử dụng để trị hôi miệng, giảm đau…
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nắm ngò gai, rửa sạch, để ráo nước
- Cho vào ấm chuyên dụng, sắc với nước thấy cô đặc thì tắt bếp
- Cho thêm một vài hạt muối, khuấy tan
- Lấy nước này súc miệng nhiều lần trong ngày
- Kiên trì mỗi ngày, sau 5 – 6 ngày bạn sẽ thấy tình trạng hôi miệng của mình được cải thiện.
4. Trị hôi miệng bằng thảo dược với trà xanh
Nếu bạn đang băn khoăn không biết đâu là thảo dược trị hôi miệng hiệu quả thì có thể tham khảo trà xanh. Trà xanh vị ngọt chát, tính hàn, đi vào kinh can, có các tác dụng như lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt, tăng cường tiêu hóa, sáng mắt… Theo các nghiên cứu khoa học, trà xanh giàu chất chống oxy hóa như catechin, polyphenol, flavonoid, tinh dầu… Có tác dụng kháng viêm, loại bỏ các tác nhân gây hại trong khoang miệng.
Súc miệng hoặc uống trà xanh được cho là có thể làm giảm mức độ vi khuẩn và các axit trong khoang miệng. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về răng nướu, giúp nâng cao sức khỏe răng miệng của bạn. Việc sử dụng trà xanh cũng có thể cải thiện đáng kể tình trạng hôi miệng, giúp cho hơi thở của bạn trở nên tươi mát, thơm tho hơn. Do đó, trà xanh cũng là một trong những thảo dược chữa hôi miệng mà bạn có thể tham khảo.
Cách thực hiện:
Cách 1: Dùng trà xanh với muối
- Lấy 1 nắm lá trà xanh rửa xanh, vò nát, cho vào nồi đun với nước
- Sau khi sôi thì tắt bếp, chắt lấy nước, thêm vào nước trà một ít muối
- Khuấy đều cho muối tan, dùng nước này súc miệng nhiều lần trong ngày
- Kiên trì thực hiện nhiều ngày để tình trạng hôi miệng được cải thiện.
Cách 2: Dùng trà xanh và gừng
- Lấy 1 nắm lá trà sạch rửa sạch, cho vào nước đun sôi
- Đợi nước sôi thì thả gừng đã cắt lát còn nguyên vỏ vào
- Đun thêm 20 phút cho ra tinh chất rồi tắt bếp
- Dùng hỗn hợp này để uống hoặc súc miệng đều được
5. Bạc hà trị hôi miệng
Bạc hà không chỉ là loại rau thơm phổ biến mà còn được biết đến với nhiều lợi ích bất ngờ với sức khỏe. Lá bạc hà được cả y học cổ truyền lẫn các nghiên cứu hiện đại công nhận về công dụng, hiệu quả trong việc hỗ trợ chăm sóc, điều trị các vấn đề về răng miệng. Đây cũng là lý do hiện nay có rất nhiều nước súc miệng chứa bạc hà được sử dụng phổ biến hiện nay.
Bạc hà có vị cay the, tính hàn, chứa nhiều tinh dầu, tinh dầu của lá bạc hà có tính sát khuẩn cực cao, có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, làm khoang miệng của bạn sạch sẽ và hơi thở cũng trở nên nhẹ nhàng, thơm mát hơn. Việc sử dụng lá bạc hà có thể làm cho hơi thở của bạn được cải thiện nhất thời. Tuy nhiên nếu bạn không cải thiện các bệnh về răng miệng và các bệnh lý trong cơ thể thì không thể loại bỏ dứt điểm tình trạng hôi miệng.
Cách thực hiện:
Cách 1: Nhai hoặc ăn lá bạc hà
- Lấy 1 nắm lá bạc hà rửa sạch, để ráo nước
- Dùng lá này nhai hoặc ăn mỗi ngày để làm sạch vi khuẩn và mảng bám
- Bạn nên nhai lá bạc hà thật kỹ, không nuốt ngay để các tinh chất thâm vào răng và nướu.
Cách 2: Dùng lá bạc hà với muối
- Lấy 1 nắm lá bạc hà, rửa sạch, vắt lấy nước cốt
- Pha nước này với một ít nước ấm, cho thêm muối trắng
- Khuấy cho tan đều, dùng nước này súc miệng 2 lần/ngày
6. Thảo quả – thảo dược có công dụng trị hôi miệng
Thảo quả còn có các tên gọi khác như thảo đậu khấu, đò ho, mác hấu, không chỉ là gia vị mà còn là một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong Đông y. Cây thảo quả thuộc họ gừng, bộ phận được sử dụng là quả chính được phơi hoặc sấy khô của loại cây này. Thảo quả có chứa 1,4 – 1,47% tinh dầu, có mùi thơm, vị cay nóng, hơi ngọt dễ chịu. Thường được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, nấc cụt, đau bụng, đầy bụng, hôi miệng…
Cách thực hiện:
- Lấy thảo quả rửa sạch, giã dập (quá trình thực hiện cần đảm bảo vệ sinh)
- Lấy quả này ngậm nuốt nước từ từ và bỏ bã để hỗ trợ điều trị hôi miệng.
Lưu ý: Không dùng thảo quả cho người thiếu máu, thể trạng gầy yếu, người bị sỏi ở túi mật.
7. Trị hôi miệng với quế
Quế là cây thuốc quý, thuộc họ long não, có vị cay ngọt, mùi thơm hơi nồng, quy vào các kinh như Tâm, Can, Thận, Tỳ. Bộ phận thường được sử dụng là vỏ cành và vỏ thân, còn được gọi là quế nhục. Quế chứa nhiều tinh dầu, tinh dầu quế có tác dụng khử mùi, chống nhiễm trùng, giảm đau họng, có hiệu quả trong điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Trong tinh dầu quế có chứa cinnamaldehyde, có khả năng ức chế sự sinh sôi và phát triển của một số vi khuẩn kể cả Salmonella và Listeria. Nhờ đó mà có hiệu quả tốt trong việc cải thiện tình trạng hôi miệng và ngăn ngừa sâu răng. Đây cũng là lý do mà quế thường được sử dụng để trị hôi miệng, các bệnh lý về răng miệng, nhiễm trùng đường hô hấp. Như vậy, nếu bạn muốn dùng thảo dược trị hôi miệng thì quế là loại thảo dược mà bạn có thể tham khảo.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị: 1 muỗng cà phê bột quế, 2 muỗng cà phê mật ong
- Mỗi ngày bạn pha quế và mật ong theo tỷ lệ 1:2 với 200ml nước ấm
- Khuấy đều cho tan, dùng hỗn hợp này để súc miệng sau khi đánh răng
- Kiên trì áp dụng mỗi ngày để diệt khuẩn, giúp hơi thở thơm mát.
8. Hoa hồi
Hoa hồi còn được gọi với những các tên khác như đại hồi, bác giác hồi hương, hồi, đại hồi hương, là dược liệu được di thực vào Việt Nam, thường gặp ở các tỉnh phía bắc nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc của loại thảo dược này là quả chứ không phải hoa. Đại hồi có mùi thơm hơi hắc, có tác dụng hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi. Ngoài ra, tinh dầu từ hoa hồi còn có khả năng sát khuẩn, hỗ trợ điều trị hôi miệng, đau răng, viêm lợi rất tốt.
Cách thực hiện:
- Lấy một vài lát đại hồi sạch, đảm bảo vệ sinh
- Dùng đại hồi nhai kỹ rồi nuốt nước từ từ, nhả bã
- Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày để thấy hiệu quả.
9. Đinh hương
Đinh hương có mùi thơm, vị cay the, hơi ngọt, tính nóng, chứa nhiều tinh dầu. Là vị thuốc được sử dụng nhiều trong đông y với nhiều công dụng khác nhau, có thể kể đến như làm ấm bụng, chống nôn, làm thơm miệng, sát khuẩn, tiêu sưng… Đinh hương có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đinh hương chứa nhiều tinh dầu, có tính diệt khuẩn, chống viêm, khử mùi, rất tốt nên thường được sử dụng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hôi miệng.
Cách thực hiện:
Cách 1: Dùng đinh hương khô
- Lấy 3 – 4 lát đinh hương khô, cho vào miệng ngậm khoảng 3 – 5 phút
- Sau đó bạn nhai nhỏ đinh hương cho đến khi hết tinh chất
- Nhả phần bả ra và súc lại miệng với nước sạch
- Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Cách 2: Dùng bột đinh hương
- Đinh hương bạn tán thành bột mịn, cho vào cốc nước ấm
- Khuấy đều cho tan, dùng nước này súc miệng 2 lần/ngày
- Thực hiện trong thời gian dài để thấy hiệu quả
10. Cam thảo – thảo dược chữa hôi miệng do bệnh dạ dày
Nếu bạn bị hôi miệng do các bệnh lý về dạ dày, đặc biệt là viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản thì có thể tham khảo cam thảo. Đây cũng là một trong những loại thảo dược chữa hôi miệng do bệnh lý về tiêu hóa được đánh giá cao về hiệu quả. Cam thảo vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, tan đờm, bổ tỳ dưỡng vị, giải độc, ích khí, có thể giảm đau co thắt, tăng cường sức khỏe, kháng viêm, bảo vệ gan, chống virus…
Cách thực hiện:
Cách 1: Dùng trà cam thảo
- Lấy 1 – 2g rễ cam thảo cho vào cốc
- Đổ vào cốc 200ml nước sôi, hãm cam thảo trong 10 – 15 phút
- Khi nước còn hơi ấm thì uống từng ngụm nhỏ
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Cách 2: Dùng bài thuốc từ cam thảo
- Bài thuốc 1: Lấy cam thảo, quất bì, tế tân, quế tâm mỗi vị 50g, tán tất cả thành bột, dùng táo nhục kết hợp với mật ong và các vị thuốc trên vo thành viên bằng hạt đậu. Mỗi ngày uống 5 – 10g trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc 2: 90g cam thảo, 45g tế tân, 45g quế tâm, 30g xuyên khung, 15g đinh hương, tán thành bột mịn, thêm mật ong vào tán nhuyễn, làm thành viên, uống 5g mỗi ngày.
Lưu ý: Bạn chỉ nên sử dụng tối đa 240ml nước cam thảo mỗi ngày, trong đó liều lượng cam thảo sử dụng từ 5 – 15g được coi là ngưỡng an toàn. Chỉ dùng tối đa 10 ngày rồi ngưng sau đó mới bắt đầu liệu trình mới. Không dùng cam thảo cho người rối loạn chức năng gan thận, phụ nữ mang thương, người đang sử dụng các loại thuốc điều trị.
Một số lưu ý khi dùng thảo dược chữa hôi miệng
Khi sử dụng thảo dược để chữa hôi miệng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Chữa hôi miệng bằng thảo dược chỉ hiệu quả với những trường hợp hôi miệng ở mức độ nhẹ, mới xuất hiện. Bạn chỉ áp dụng như một phương pháp hỗ trợ, vì nếu không tìm được nguyên nhân gây hôi miệng thì sẽ không thể điều trị dứt điểm được tình trạng này.
- Hôi miệng thường do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn uống, thói quen uống rượu bia, thuốc lá hoặc do các bệnh lý về răng miệng, bệnh lý về tiêu hóa, trào ngược dạ dày gây ra. Nếu bạn không tìm được nguyên nhân gây hôi miệng thì tốt nhất nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
- Hiệu quả của các phương pháp chữa hôi miệng bằng thảo dược còn phụ thuộc vào cách thực hiện, tình trạng hôi miệng và cơ địa của mỗi ngày. Thông thường, thảo dược có tác dụng tương đối chậm, do đó, bạn cần kiên trì trong thời gian dài để thấy hiệu quả.
- Song song với việc dùng thảo dược trị hôi miệng, bạn nên chú ý chăm sóc răng miệng cẩn thận, thường xuyên đánh răng, súc miệng để giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng.
Trên đây là một số thảo dược trị hôi miệng có chứa dược tính có thể ít nhiều giúp bạn cải thiện được tình trạng hôi miệng, hơi thở có mùi khó chịu. Khi bị hôi miệng, nếu áp dụng nhiều phương pháp mà không thấy cải thiện, cách tốt nhất là bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
- Mẹo dưỡng ẩm cho da khô, giúp da căng mịn không phải ai cũng biết!
- 10 Loại cây khắc tinh của hôi miệng bạn đã biết
- “Chân ái” chăm da của phụ nữ Pháp chính là sử dụng càng ít sản phẩm càng tốt
- 10 Loại cây này sẽ hỗ trợ viêm xoang hiệu quả, mà dễ tìm kiếm
- Vua nám Trần Kim Huyền và những lý do được các chị em săn đón